Phòng ngừa cháy, nổ mùa nắng nóng

Hà Nội đang bắt đầu vào giai đoạn cao điểm nắng nóng nên nguy cơ cháy, nổ ngày một tăng. Từ giữa tháng 5 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận nhiều vụ cháy, tuy chưa có thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Chính vì vậy, công an các quận, huyện, thị xã đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng ngừa cháy, nổ tại cơ sở…

Cháy do bất cẩn, chủ quan

Sáng sớm ngày 4-6 vừa qua, tại 84 phố Phú Viên (phường Bồ Đề, quận Long Biên) xảy cháy tại kho chứa thực phẩm của Công ty cổ phần Thương mại Đồng Huy Phát với diện tích khoảng 400m2. Vụ cháy hé lộ “lỗ hổng” khi doanh nghiệp trên nằm trong danh sách các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Đơn vị này đã bị Công an quận Long Biên ra quyết định đình chỉ hoạt động vào tháng 7-2021. Đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng là sự cảnh báo nguy cơ cháy, nổ mùa nắng nóng nếu các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy bị “bỏ quên”.

Hay vào ngày 9-6, xảy ra cháy nhà dân tại địa chỉ số 147 Nguyễn An Ninh (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) do bất cẩn từ nơi cơi nới của ngôi nhà. Lực lượng cứu hỏa đã kịp thời hướng dẫn 5 người bị nạn thoát hiểm theo cầu thang bộ xuống vị trí an toàn.

Trước đó, trong tháng 5, trên địa bàn thành phố liên tục xảy cháy tại khu vực chứa bãi phế thải do ý thức kém của một số người dân. Điển hình là khoảng 16h ngày 17-5, tại khu tập kết nhựa thuộc xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) đã xảy ra cháy lớn. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Văn Lăng thông tin, do đây là bãi tập kết nhựa phế liệu nên đám cháy lan nhanh, cột khói bốc cao hàng chục mét. Để dập tắt đám cháy, Công an các quận, huyện: Thanh Xuân, Thanh Trì phải điều động nhiều xe chữa cháy, cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường.

Thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng Công an huyện Thạch Thất cho biết, ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 17 vụ cháy, 11 sự cố cháy. Tuy các vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng làm thiệt hại về tài sản là 6,15 tỷ đồng. Đa phần các vụ cháy xảy ra ở các xã nghề – nơi có mật độ dân số đông, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ mộc dân dụng…

Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng mô hình

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy và phòng cháy hiệu quả trong cao điểm hè 2022, đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, xác định trọng tâm là tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ “chuồng cọp”, tạo lối thoát nạn thứ 2 tại các khu tập thể, chung cư. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các chủ cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ…

Trong đó, mô hình “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy” đang được triển khai mạnh mẽ tại cơ sở. Mô hình được xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) nhằm huy động nhanh nhất lực lượng trong dân để chớp “thời điểm vàng” 5-7 phút đầu khi xảy ra cháy. Qua đó củng cố và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy của lực lượng cơ sở… Trên thực tế, nhiều vụ cháy đã được lực lượng chữa cháy cơ sở xử lý kịp thời, hạn chế được thiệt hại. Điển hình là ngày 1-6, lực lượng chữa cháy tại chỗ phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) đã kịp thời dập tắt đám cháy cột điện tại Khu LK9, 27 Vạn Phúc…

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Trưởng ban Quản lý chợ La Khê (phường La Khê, quận Hà Đông) cho biết, tại chợ La Khê và khu dân cư quanh chợ, Công an quận Hà Đông đã nghiên cứu, thiết kế các giá đỡ để phương tiện phòng cháy, chữa cháy bằng xe máy có thể chở theo gọn gàng, linh hoạt để di chuyển được trong các ngõ nhỏ, nơi mà xe chữa cháy không thể tiếp cận được.

Thượng tá Trần Khải Hoàn, Trưởng Công an huyện Thạch Thất cho biết, tại địa bàn các xã thường xuyên xảy ra nguy cơ cháy, nổ, đơn vị đã gắn 640 biển khuyến cáo bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Còn Đại tá Tô Mạnh Thắng, Phó Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm thông tin, việc xây dựng, duy trì mô hình “Nhà tôi có lối thoát nạn thứ 2” và “Nhà tôi tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” trong khu dân cư, tổ dân phố nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của UBND cấp phường, các tổ chức đoàn thể, chủ hộ gia đình và người đứng đầu cơ sở với mục tiêu là mọi người, mọi nhà đều biết, ngăn ngừa “bà hỏa”.

Để hạn chế các vụ cháy, nổ trong cao điểm hè, điều quan trọng nhất chính là mỗi gia đình, người dân cần trang bị cho mình ý thức sử dụng điện, nguồn nhiệt an toàn cũng như kỹ năng thoát hiểm cơ bản khi xảy ra cháy. Đó là điều kiện đủ để cùng với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngăn ngừa các vụ cháy, nổ có thể xảy ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0854.3333.68